TPHCM mới sau sáp nhập trở thành siêu đô thị đa trung tâm, tạo sức mạnh tổng hợp về kinh tế, công nghiệp, cảng biển và du lịch.
Sau khi hợp nhất toàn bộ diện tích và dân số của tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, TPHCM chính thức trở thành siêu đô thị với hơn 6.722 km² diện tích và dân số trên 14 triệu người. Đây không chỉ là sự mở rộng địa giới hành chính mà còn là bước ngoặt chiến lược, kết nối các thế mạnh công nghiệp, cảng biển, tài chính và du lịch, định hình một trung tâm kinh tế năng động hàng đầu khu vực.


Trung tâm TPHCM không phát triển đơn lẻ mà gắn kết chặt chẽ với Thủ Thiêm – khu đô thị mới được định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Tại đây, nhiều công trình biểu tượng như Trung tâm tài chính, quảng trường, nhà hát, khách sạn cao cấp, công viên sáng tạo… đang dần hình thành, mang diện mạo của một đô thị hiện đại và hội nhập.



Các cụm cảng và kho bãi trọng điểm như: Trường Thọ, Cát Lái, Hiệp Phước, Tân Cảng… luôn tấp nập hoạt động, đóng vai trò đầu mối logistics quan trọng cho khu vực phía Nam và cả nước, vận chuyển hàng hóa phục vụ chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Ở phía Bắc, vùng Bình Dương cũ nay trở thành cực công nghiệp quan trọng của TPHCM, nổi bật với các khu công nghiệp lớn như VSIP, Sóng Thần, Mỹ Phước, nơi thu hút hàng triệu lao động và vốn đầu tư FDI.

Về phía Đông Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu cũ mang đến lợi thế đặc biệt như bờ biển dài, khí hậu ôn hòa, hệ thống cảng biển nước sâu và hạ tầng du lịch phát triển.


Đặc biệt, cụm cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải đang giữ vai trò quan trọng trong chuỗi logistics toàn cầu, đồng thời là trung tâm công nghiệp dầu khí, năng lượng tái tạo và du lịch biển.

Để tăng cường kết nối vùng, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đang được đầu tư như cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu, TPHCM – Mộc Bài, Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Các tuyến Vành đai 3, 4 và Quốc lộ 13 mở rộng cũng đang được đẩy mạnh thi công.

Đặc biệt, mạng lưới metro trong tương lai sẽ là trụ cột kết nối đô thị bền vững. Tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã hoàn thành và trở thành phương tiện giao thông công cộng nổi bật. Hiện, tuyến Metro TPHCM – Bình Dương cũ đang được nghiên cứu với chiều dài 32,4 km.

Với cấu trúc đa trung tâm, tiềm lực dồi dào và hạ tầng ngày càng hoàn thiện, TPHCM sau sáp nhập đang từng bước định hình vai trò siêu đô thị kiểu mẫu hội nhập mạnh mẽ và dẫn dắt phát triển toàn vùng phía Nam.
Thông tin chi tiết https://laodong.vn/xa-hoi/ngam-sieu-do-thi-tphcm-moi-sau-sap-nhap-1538710.ldo