TTO – Thủ tướng vừa đồng ý chủ trương thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức với tên gọi dự kiến thành phố Thủ Đức. Vậy thành phố mới này có gì lạ?
Phía đông Sài Gòn tương lai sẽ là một thành phố phát triển. Khu vực này có tốc độ ứng dụng công nghệ cao, mức độ đào tạo và nghiên cứu khoa học cao nhất cả nước, có khu đô thị mới, trung tâm tài chính quốc tế. Đây là các yếu tố tác động tạo nên vùng tăng trưởng mới trong thời gian tới.
Thành phố phía Đông rộng 211,57 km2 gồm 3 quận 2, 9, Thủ Đức được kỳ vọng sẽ là hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Địa hình đô thị nằm ở cửa ngõ TP.HCM, bao quanh bởi trục giao thông trọng điểm như tuyến đường sắt Thống Nhất, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, quốc lộ 1,13, Xa lộ Hà Nội – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 được định hướng thành 1 trong 6 trọng điểm sáng tạo – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đại học quốc gia TP.HCM sẽ là trung tâm công nghệ kết nối với các quận 2, quận 9 và Thủ Đức – Ảnh: TỰ TRUNG
Bến xe miền Đông mới là một quần thể phức hợp bao gồm khu vực bến xe chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích với tổng diện tích trên 16 ha rộng gần gấp ba so với bến xe hiện hữu được hứa hẹn phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm đi về các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đường Phạm Văn Đồng nối sân bay Tân Sơn Nhất và quốc lộ 1A để đi tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Trong ảnh: đường Phạm Văn Đồng đoạn qua quận Thủ Đức – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Quốc lộ 13 bắt đầu từ ngã 5 Đài Liệt sĩ (thành phố Hồ Chí Minh) qua các quận Bình Thạnh, Thủ Đức kết nối với thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), các huyện Chơn Thành, Hớn Quản, thị xã Bình Long và huyện Lộc Ninh, đến cửa khẩu Hoa Lư – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Suốt 2 thập niên, cầu Cát Lái nối đôi bờ TP.HCM và Đồng Nai vẫn là mơ ước của người dân ở hai địa phương này. Hai Sở GTVT (TP.HCM và Đồng Nai) đã ngồi lại bàn phương án xây cầu thay phà. Hai bên đã đồng ý theo phương án quy mô cầu có 6 làn xe. Điểm đầu cầu kết nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch), vượt sông Đồng Nai và cầu kết nối vào đường Vành đai 2 – TP.HCM (cách đường dẫn cầu Phú Mỹ khoảng 1km và cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 2,3km) – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cầu Long Thành trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây bắc qua sông Đồng Nai nối liền quận 9 (TP.HCM) với huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long đề xuất Bộ Giao thông vận tải đề xuất đầu tư dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành Dầu Giây. Trong đó có đoạn từ An Phú đến vành đai 2 mở rộng ở hai bên nâng bề rộng mặt đường lên 36m cho 8 làn xe. Đoạn từ vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu mở rộng mặt đường lên 42,5m cho 8 làn xe – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chợ Thủ Đức xây dựng từ thế kỷ 17 tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức giao thoa giữa nét xưa giữa thành phố mới – Ảnh TỰ TRUNG
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, nối khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 với khu trung tâm TP.HCM, quận 1 được đánh giá có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trục chính tại TP, đồng thời giải tỏa áp lực giao thông ở khu Đông vốn ngày càng quá tải – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Công viên Lịch sử Văn hoá Dân tộc rộng 400ha với đền thờ Vua Hùng (phường Long Bình, quận 9) nơi người dân TP.HCM và các tỉnh tham quan thưởng lãm – Ảnh: TỰ TRUNG
Có thể nói rằng thành phố phía Đông đang thừa hưởng công trình vận tải công cộng mới mẻ là tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Tuyến có 14 nhà ga thì có tới 10 ga nằm xuyên qua thành phố phía Đông bắt đầu từ cầu Sài Gòn chạy dọc tới depot Long Bình (quận 9) – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nếu mọi việc thuận lợi, chỉ cuối năm sau tuyến metro đầu tiên của TP sẽ đưa vào khai thác thương mại, giúp chuyện đi lại của người dân dễ dàng hơn. Tương lai, metro số 1 không dừng lại ở depot Long Bình mà từ đó còn dự định sẽ nối dài tới thành phố vệ tinh: Biên Hòa (Đồng Nai), Dĩ An (Bình Dương). Việc này sẽ giúp thành phố vệ tinh kết nối liên vùng, hiện đại hóa giao thông công cộng – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Điểm nhấn tiếp theo đó Khu Công nghệ cao TP.HCM rộng khoảng 1.066 ha với 13 tập đoàn, công ty lĩnh vực công nghệ cao. Nơi đây được định hướng trở thành trung tâm sản xuất tự động hóa, ngôi nhà của nền công nghiệp thế kỷ 21 tại Việt Nam – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trung tâm thành phố mới Thủ Đức được chọn ở phường Trường Thọ, khu vực này hiện có cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhiều cơ sở giáo dục, văn hoá… Ảnh TỰ TRUNG
Còn mạng lưới giao thông kết nối liên vùng có điểm nhất là tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có 4 làn hiện hữu đang được mở rộng cao tốc này qui hoạch lên 10 đến 12 làn. Bộ Giao thông vận tải đã giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) khảo sát, nghiên cứu điều chỉnh phương án mở rộng – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tam Đa, một trong 6 trọng điểm sáng tạo được định hướng. Hiện nay khu vực này mật độ dân cư, cũng như các hoạt động liên quan đến các ngành nghề sáng tạo gần như chưa có – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Giữ vai trò điều phối giao thông bên trong nội thành là tuyến Vành đai 2 dài 64km được qui hoạch rộng 60m. Tuyến đường này có 3 đoạn xuyên qua thành phố phía Đông, trong đó đoạn cầu Phú Hữu đến nút giao Bình Thái thuộc Xa lộ Hà Nội (3,5km), đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng 2,4km đang được đề xuất đầu tư. Riêng đoạn 3 từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quốc lộ 1) dài 2,7km đã được khởi công từ 2017 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sau khi hợp nhất 3 quận, thành phố Thủ Đức sẽ có dân số trên 1 triệu người, đóng góp 1/3 kinh tế TP.HCM. Trong ảnh: hàng loạt dự án bất động sản đang được xây đựng tại quận 9 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khu Rạch Chiếc cũng sẽ là 1 trong 6 trọng điểm sáng tạo của thành phố Thủ Đức. Hiện nay khu vực này chỉ mới khởi động với nhiều dự án đô thị, khu thể thao chức năng đang hình thành