TP.HCM hợp nhất có 3 quy hoạch chung với 613 đồ án quy hoạch phân khu, cần ráp nối, điều chỉnh từ 2 khía cạnh chiến lược gồm kết nối hạ tầng giao thông, kỹ thuật và kết nối không gian đô thị.
TP.HCM hợp nhất có 3 quy hoạch chung với 613 đồ án quy hoạch phân khu – Ảnh: TTO
Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình triển khai các đồ án quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn TP.HCM.
Theo Sở Xây dựng, TP.HCM hợp nhất đang tồn tại 3 quy hoạch chung có hiệu lực và đang được triển khai.
Trong đó, 2 đồ án quy hoạch chung ở Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu được phê duyệt trước đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 (quyết định 1125 của Thủ tướng).
Qua rà soát, toàn TP.HCM có 613 đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt (gồm 513 đồ án tại TP.HCM, 50 đồ án tại Bình Dương và 47 đồ án tại Bà Rịa – Vũng Tàu).
Việc tổ chức lập (điều chỉnh) các quy hoạch phân khu là một công tác quan trọng của kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Ở cấp độ TP.HCM hợp nhất, thành phố sẽ tổ chức lập quy hoạch thành phố và quy hoạch chung thành phố với phạm vi ranh giới hành chính mới.
Sở Xây dựng nhận thấy về bản chất các quy hoạch chung đô thị nêu trên được lập trong thời gian vừa qua đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, đặc biệt là nhu cầu sinh sống, làm việc và đầu tư của người dân các địa phương.
Đối với quy hoạch chung TP.HCM (theo quyết định 1125) trong quá trình lập đã có tính toán đến yếu tố liên kết vùng với các tỉnh thành lân cận.
“Do đó, quy hoạch chung TP.HCM hợp nhất sẽ có nền tảng cơ bản là nội dung các quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, đồng thời đề xuất các nội dung mới mang tính chất đột phá trên cơ sở dư địa và thế mạnh đặc trưng của từng khu vực tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho TP.HCM”, Sở Xây dựng nhận định.
Đối với việc ráp nối, điều chỉnh các nội dung quy hoạch trong một tổng thể ranh giới TP.HCM hợp nhất, Sở Xây dựng nhận thấy về địa lý TP.HCM cũ và 2 tỉnh trước đây phân tách theo ranh các con sông (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Thị Vải), việc kết nối thông qua các cây cầu và tuyến giao thông liên tỉnh.
Từ đó Sở Xây dựng đề xuất việc ráp nối, điều chỉnh quy hoạch sẽ tập trung rà soát điều chỉnh hai khía cạnh chiến lược sau:
Thứ nhất là kết nối giao thông và hạ tầng kỹ thuật: Ngoài việc gia tăng các kết nối giao thông truyền thống còn cần có kết nối đồng bộ thông suốt mạng lưới giao thông công cộng và giao thông trung chuyển liên khu vực.
Việc hợp nhất làm xuất hiện yêu cầu kết nối và tăng cường năng lực các khâu đầu mối hạ tầng kỹ thuật (mạng lưới cấp điện, nước, xử lý rác thải, nghĩa trang, mạng lưới giao thông tỉnh…).
Thứ hai là kết nối không gian đô thị: Cần cấu trúc lại các khu chức năng theo không gian hợp nhất các khu vực phát triển đô thị khu vực giáp ranh (mạng lưới công nghiệp, nghiên cứu đào tạo, y tế, thể dục thể thao, cảng sông, cảng biển…).
Báo cáo thị trường bất động sản nửa đầu năm 2025 của Savills mới công bố cho thấy, TPHCM tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở.
Cụ thể, theo thống kê từ Savills, TPHCM đặt mục tiêu phát triển khoảng 235.000 căn nhà mới trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ thực hiện được 24%, tương ứng thiếu hụt 179.000 căn.
Trước đó, trong quý I/2025, TPHCM ghi nhận 800 căn hộ mới được mở bán, giảm tới 70% so với quý trước, với phân khúc nhà ở hạng C (dưới 50 triệu đồng/m2) chỉ chiếm 13% tổng nguồn cung.
Dự báo về nguồn cung trong thời gian tới, bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M, Savills Việt Nam cho biết, dự kiến sẽ có khoảng 8.000 căn hộ mới được mở bán tại TPHCM trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung vẫn tập trung ở phân khúc trung cấp, tức là căn hộ hạng B. Điều này cho thấy nhà ở tại thành phố chủ yếu hướng vào phân khúc trung, cao cấp; nhà ở vừa túi tiền tiếp tục thiếu.
TPHCM đang thừa nhà ở cao cấp, thiếu nhà vừa túi tiền. Ảnh minh họa: Nguyễn Huế
“Yếu tố pháp lý lớn nhất đang cản trở việc phát triển nguồn cung nhà ở là các thủ tục phê duyệt dự án kéo dài và vướng mắc trong triển khai các dự án hiện hữu. Trong vòng 6-12 tháng tới, cần ưu tiên xử lý các vướng mắc trong xác định chi phí sử dụng đất và thủ tục phê duyệt quy hoạch, để các chủ đầu tư có thể nhanh chóng triển khai dự án và đưa sản phẩm ra thị trường”, bà Giang nêu giải pháp.
Tại buổi họp báo kinh tế – xã hội mới đây, ông Vũ Anh Dũng, Phó phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng TPHCM) thừa nhận, giá nhà ở tại TPHCM cao so với vùng và cả nước. Phân khúc nhà ở đa phần là nhà cao cấp. Thành phố hiện không có nhà ở thương mại bình dân và nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp, dẫn đến việc người dân khó tiếp cận và sở hữu được nhà ở.
Các khó khăn mà chủ đầu tư dự án đang gặp phải bao gồm: vướng mắc pháp lý trong đầu tư xây dựng (liên quan đến quy hoạch, đất đai, tín dụng…); khủng hoảng kinh tế; tái cấu trúc doanh nghiệp; áp lực cạnh tranh; thiếu vốn…
Để góp phần kiểm soát và điều chỉnh giá nhà tại TPHCM, theo ông Dũng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.
Thứ nhất, tăng nguồn cung nhà ở phù hợp nhu cầu thực. Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở bình dân được xem là giải pháp cốt lõi. Thành phố cần ưu tiên quỹ đất, chính sách ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà ở thương mại giá thấp.
Thành phố tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho dự án, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, góp phần tăng nguồn cung nhà ra thị trường, giảm áp lực lên giá bất động sản. Thành phố rà soát và có biện pháp xử lý các dự án “treo”, hỗ trợ doanh nghiệp gỡ khó, thúc đẩy xây dựng dự án để đưa vào sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực và tạo thêm nguồn cung nhà.
Thứ hai, đẩy nhanh quá trình giải quyết các thủ tục hành chính và minh bạch thông tin. TPHCM đã có quy hoạch chung thành phố, do đó, cần tăng cường tập trung giải quyết thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất, định giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản…
Sở Xây dựng cũng đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và chủ đầu tư dự án, thực hiện cung cấp thông tin về quy hoạch, dự án để người mua có cái nhìn khách quan, tránh bị tác động bởi thông tin sai lệch, gây sốt ảo.
Ngoài ra, người mua có thể liên hệ UBND xã, phường, đặc khu nơi dự án tọa lạc để tìm hiểu về thông tin dự án, tránh tình trạng bị nâng giá, thổi giá… Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi thổi giá, tạo sóng ảo và làm nhiễu loạn thị trường.
“Nhà đầu tư xây dựng nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp cần được cung cấp các gói tín dụng ưu tiên. Cùng với đó, người dân có thu nhập trung bình và thấp muốn mua nhà ở xã hội hoặc ở nhà ở thương mại giá bình dân cũng cần được bố trí các gói vay ưu đãi, lãi suất thấp”, ông Dũng nói.
(Dân trí) – Song song với việc triển khai 10 tuyến metro theo nghị quyết của Quốc hội, TPHCM sẽ rà soát quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị theo địa giới hành chính mới.
Văn phòng UBND TPHCM vừa truyền đạt kết luận của Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường về việc chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo Nghị quyết 188 của Quốc hội.
Theo đó, lãnh đạo thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR) rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị theo mô hình và tầm nhìn mới, phù hợp với việc mở rộng địa giới hành chính, tham mưu UBND TP kế hoạch triển khai trong tháng 7.
Sở Xây dựng cũng chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp hoàn thiện hồ sơ, tham mưu UBND TPHCM trình HĐND ban hành nghị quyết về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh phương án tuyến, vị trí công trình đường sắt đô thị; quy hoạch TOD… đảm bảo tiến độ trình tại kỳ họp HĐND vào ngày 27/7.
Liên quan đến danh mục 10 tuyến metro theo Nghị quyết 188, lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Xây dựng tham mưu kế hoạch chuẩn bị đầu tư, hoàn thành kế hoạch trong tháng 7.
Sở Tài chính TPHCM chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với MAUR và các đơn vị liên quan xây dựng đề án huy động và bố trí nguồn vốn đầu tư, bảo đảm tiến độ triển khai các tuyến đường sắt đô thị theo phụ lục của Nghị quyết 188/2025/QH15.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Luật PPP, trước mắt tập trung triển khai các dự án PPP trọng điểm, quy mô lớn trong lĩnh vực đường sắt đô thị để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thông tin chi tiết: https://dantri.com.vn/xa-hoi/tphcm-xuc-tien-dau-tu-mang-luoi-metro-sau-sap-nhap-20250718210631986.htm
Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa có văn bản kiến nghị UBND TP giao nhiệm vụ và bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư hai tuyến metro mới đi trên cao, kết nối trung tâm TP với khu vực Bình Dương (cũ).
Cả 2 tuyến đường sắt đô thị đều đã được tỉnh Bình Dương (cũ) nghiên cứu, trong đó tuyến kéo dài metro số 1 đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thẩm định nhà nước.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 chuẩn bị được kéo dài từ Suối Tiên đến TP mới Bình Dương. ẢNH: NHẬT THỊNH
Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị số 1 (TP mới Bình Dương – Suối Tiên) với chiều dài 29,01 km, bắt đầu từ ga trung tâm TP mới Bình Dương và kết thúc tại ga Bến xe Suối Tiên thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Tuyến sẽ sử dụng chung depot Long Bình với tuyến metro số 1. Dự kiến tuyến có 17 nhà ga trên cao, tổng mức đầu tư 46.725 tỉ đồng.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 (Thủ Dầu Một – TP.HCM) dài 21,87 km, bắt đầu từ khu vực ga S5 của tuyến đường sắt đô thị số 1, thuộc phường Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một cũ) và kết thúc tại phường Vĩnh Phú (TP.Thuận An cũ). Đây là điểm sẽ kết nối với metro số 3 của TP.HCM tại khu vực Hiệp Bình Phước cũ. Dự án dự kiến có khoảng 13 nhà ga trên cao, sử dụng chung depot với tuyến metro số 3 của TP.HCM tại Hiệp Bình Phước. Tuyến này có tổng vốn đầu tư khoảng 53.000 tỉ đồng.
Ngày 24.6.2025, UBND tỉnh Bình Dương (trước sáp nhập) đã thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ. Đến ngày 29.6, hội đồng này đã tổ chức họp và ban hành báo cáo kết quả thẩm định nội bộ đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
MAUR cho biết, theo luật Đầu tư công sửa đổi năm 2024 và luật số 90/2025/QH15 ngày 25.6, các dự án đường sắt địa phương – đặc biệt là dự án metro theo mô hình phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (TOD) – không còn phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, nếu đã nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cùng với đó, luật Đường sắt mới (số 95/2025/QH15) có hiệu lực từ 1.1.2026 cũng chính thức phân loại metro là một dạng đường sắt địa phương, phục vụ vận tải hành khách khu vực đô thị và vùng phụ cận. Theo đó, UBND cấp tỉnh được trao quyền tự quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án metro theo trình tự nhóm A, giúp địa phương chủ động hơn trong việc triển khai các tuyến metro mới.
Hiện nay, tuyến đường sắt đô thị số 1 nối dài đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định và báo cáo Chính phủ nhưng chưa trình Quốc hội; trong khi tuyến số 2 chưa thực hiện thủ tục trình quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, không phải thực hiện quyết định chủ trương đầu tư.
TPHCM mới sau sáp nhập trở thành siêu đô thị đa trung tâm, tạo sức mạnh tổng hợp về kinh tế, công nghiệp, cảng biển và du lịch.
Sau khi hợp nhất toàn bộ diện tích và dân số của tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, TPHCM chính thức trở thành siêu đô thị với hơn 6.722 km² diện tích và dân số trên 14 triệu người. Đây không chỉ là sự mở rộng địa giới hành chính mà còn là bước ngoặt chiến lược, kết nối các thế mạnh công nghiệp, cảng biển, tài chính và du lịch, định hình một trung tâm kinh tế năng động hàng đầu khu vực.
Việc hợp nhất tạo thêm sức mạnh cộng hưởng, hình thành không gian kinh tế năng động, đa dạng và giàu tiềm lực. Ảnh: Anh TúTrong ảnh là phường Sài Gòn – trái tim của siêu đô thị TPHCM. Phường Sài Gòn tọa lạc tại trung tâm Quận 1 cũ được xem là nơi đắt đỏ bậc nhất TPHCM khi hội tụ hàng loạt yếu tố “vàng” về vị trí lẫn giá trị. Ảnh: Anh Tú
Trung tâm TPHCM không phát triển đơn lẻ mà gắn kết chặt chẽ với Thủ Thiêm – khu đô thị mới được định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Tại đây, nhiều công trình biểu tượng như Trung tâm tài chính, quảng trường, nhà hát, khách sạn cao cấp, công viên sáng tạo… đang dần hình thành, mang diện mạo của một đô thị hiện đại và hội nhập.
Thủ Thiêm – Trung tâm tài chính tương lai của TPHCM với quảng trường, công viên sáng tạo và các tòa nhà biểu tượng đang thành hình. Ảnh: Anh TúKết nối vùng trung tâm trở nên rõ nét hơn khi tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) khai trương từ tháng 12.2024, vận hành ổn định với hơn 200 chuyến mỗi ngày. Ảnh: Anh TúCầu Ba Son biểu trưng về kiến trúc hiện đại, năng động về sự phát triển của TPHCM. Ảnh: Anh Tú.
Các cụm cảng và kho bãi trọng điểm như: Trường Thọ, Cát Lái, Hiệp Phước, Tân Cảng… luôn tấp nập hoạt động, đóng vai trò đầu mối logistics quan trọng cho khu vực phía Nam và cả nước, vận chuyển hàng hóa phục vụ chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
Cảng Cát Lái, Trường Thọ, Hiệp Phước hoạt động nhộn nhịp ngày đêm, giữ vai trò kết nối hàng hóa cho cả khu vực phía Nam. Ảnh: Anh Tú
Ở phía Bắc, vùng Bình Dương cũ nay trở thành cực công nghiệp quan trọng của TPHCM, nổi bật với các khu công nghiệp lớn như VSIP, Sóng Thần, Mỹ Phước, nơi thu hút hàng triệu lao động và vốn đầu tư FDI.
Cực công nghiệp phía Bắc với hàng loạt khu công nghiệp quy mô lớn. VSIP, Sóng Thần, Mỹ Phước… tạo chuỗi sản xuất sôi động, thu hút hàng triệu lao động và vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Anh Tú
Về phía Đông Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu cũ mang đến lợi thế đặc biệt như bờ biển dài, khí hậu ôn hòa, hệ thống cảng biển nước sâu và hạ tầng du lịch phát triển.
Biển Vũng Tàu – cửa ngõ nghỉ dưỡng và đô thị biển thông minh của TPHCM mới. Ảnh: Anh Tú
Đặc biệt, cụm cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải đang giữ vai trò quan trọng trong chuỗi logistics toàn cầu, đồng thời là trung tâm công nghiệp dầu khí, năng lượng tái tạo và du lịch biển.
Cảng Cái Mép – Thị Vải, một trong những cảng nước sâu lớn nhất Đông Nam Á, được quy hoạch trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Ảnh: Anh Tú
Để tăng cường kết nối vùng, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đang được đầu tư như cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu, TPHCM – Mộc Bài, Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Các tuyến Vành đai 3, 4 và Quốc lộ 13 mở rộng cũng đang được đẩy mạnh thi công.
Tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dài gần 54 km, dự kiến thông xe kỹ thuật vào 19.12.2025, giúp mở rộng kết nối logistics, du lịch và công nghiệp vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: Anh Tú
Đặc biệt, mạng lưới metro trong tương lai sẽ là trụ cột kết nối đô thị bền vững. Tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã hoàn thành và trở thành phương tiện giao thông công cộng nổi bật. Hiện, tuyến Metro TPHCM – Bình Dương cũ đang được nghiên cứu với chiều dài 32,4 km.
Khu vực Trung tâm kinh tế tỉnh Bình Dương cũ nơi trong tương lai sẽ đặt nhà ga Metro của tuyến Metro TPHCM – Bình Dương. Ảnh: Anh Tú
Với cấu trúc đa trung tâm, tiềm lực dồi dào và hạ tầng ngày càng hoàn thiện, TPHCM sau sáp nhập đang từng bước định hình vai trò siêu đô thị kiểu mẫu hội nhập mạnh mẽ và dẫn dắt phát triển toàn vùng phía Nam.
Thông tin chi tiết https://laodong.vn/xa-hoi/ngam-sieu-do-thi-tphcm-moi-sau-sap-nhap-1538710.ldo
(NLĐO) – Cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM tập trung vào các lĩnh vực như quản lý đầu tư, tài chính – ngân sách, quản lý đô thị và tài nguyên môi trường…
Chính phủ vừa có Tờ trình gửi gửi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết. Theo đó, tiếp tục định hướng phát triển TP HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, thời gian qua, Bộ Chính trị, Quốc hội đã có nhiều văn bản chỉ đạo, ban hành một số quyết sách mới cho TP.
Để tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, thực hiện các mục tiêu, nội dung định hướng phát triển TP HCM đã được xác định trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (thay thế Nghị quyết số 54).
Chính phủ chính thức trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều
Theo Chính phủ, Nghị quyết này nhằm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, về phát triển kinh tế – xã hội của TP HCM đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đề xuất của Chính phủ, TP HCM sẽ được áp dụng 7 nhóm chính sách đặc thù về các lĩnh vực: Quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP HCM và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.
Về một số cơ chế, chính sách cụ thể, Tờ trình nêu rõ HĐND TP HCM được phân bổ nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ mới sau khi bố trí đủ vốn ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ mới sau khi bố trí đủ vốn ngân sách địa phương cho các chương trình trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn.
HĐND TP HCM quyết định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm thông qua việc giao UBND bố trí vốn đầu tư công để ủy thác cho ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh TP HCM thực hiện cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và giải quyết việc làm.
Đáng chú ý, TP dự kiến có thể huy động các nguồn tăng thu khoảng 119 ngàn tỉ đồng, ngoài mức vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 để bố trí cho các dự án trọng điểm, cấp thiết ngoài các dự án đã được Chính phủ giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Bên cạnh đó, đề xuất cho phép TP HCM được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hoá, bảo tàng, di tích, di sản văn hoá, với quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 100 tỉ đồng. Ngoài ra, xem xét cho phép TP HCM được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư, xây dựng nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 từ ngã từ Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu và đường trên cao số 5.
Đáng chú ý, đề xuất TP HCM được thực hiện dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông theo phương thức xây dựng – chuyển giao (hợp đồng BT). Sau khi xây dựng hoàn thành, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho TP và TP sẽ thanh toán bằng vốn ngân sách.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông. Theo đó, TP HCM dùng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt được cấp thẩm quyền phê duyệt dọc theo tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương), vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3 thuộc địa phận TP để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.
Dự thảo Nghị quyết cũng cho phép TP HCM sử dụng ngân sách TP lập dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất, đấu giá khu đất thuộc vùng lân cận làm cơ sở triển khai các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với nhóm cơ chế, chính sách về tài chính – ngân sách, dự thảo Nghị quyết nêu rõ HĐND TP HCM quyết định áp dụng, điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí tòa án.
Ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí nêu trên và không dùng để xác định tỉ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP.
Cùng với đó, HĐND TP quyết định dự toán, phân bổ ngân sách TP để bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế, xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.
Dự thảo Nghị quyết quy định TP được tăng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp. Hiện theo Nghị quyết số 54, tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90%. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, với việc triển khai một số dự án như Metro số 2, Metro số 5, dự án cải thiện hệ thống thoát nước… và nhu cầu vay 92 ngàn tỉ đồng thì sau năm 2026, TP không còn đảm bảo hạn mức dư nợ vay để vay tiếp.
Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách TP không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao.
Với nguồn cải cách tiền lương còn dư, dự thảo Nghị quyết quy định TP HCM sẽ được sử dụng để đầu tư cơ sở hạ tầng, chi thu nhập tăng thêm; tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn.
Về cơ chế chính sách quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, dự thảo Nghị quyết quy định, HĐND TP HCM được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền quyết định.
UBND TP HCM được phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án thương mại theo quy định hiện hành hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác tương đương về quy mô. Dự thảo nêu rõ, chính sách này thí điểm giao TP quyết định linh hoạt việc quy hoạch bố trí nhà ở xã hội phù hợp thực tiễn, nhưng vẫn bảo đảm trách nhiệm của các chủ đầu tư nhà ở thương mại trong việc thực hiện trách nhiệm xây dựng nhà ở xã hội.
Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cũng đưa ra các ngành nghề chiến lược được hưởng các chính sách về thuế, tiền thuê đất, các cơ chế ưu đãi về chính sách sách hải quan như sản xuất chip, bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng sạch.
Với các tiêu chí do TP quy định, các dự án đầu tư sẽ được hỗ trợ một phần chi phí của dự án đầu tư từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố. Các lĩnh vực về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ được hưởng chính sách miễn thuế, nhằm thu hút đầu tư vào TP HCM. Minh Phong
Trong buổi thị sát tiến độ dự án xây dựng nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị chủ đầu tư sớm hoàn thành nút giao đẹp nhất, lớn nhất TP.HCM.
Tham dự cùng Đoàn công tác có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn.
Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Chính phủ tới khảo sát, đốc thúc tiến độ dự án xây dựng nút giao An Phú (lần thứ nhất là hồi tháng 7-2022).
Thủ tướng cùng đoàn công tác đi thị sát dự án xây dựng nút giao An Phú. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại dự án xây dựng nút giao An Phú, ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông) đã báo cáo tiến độ dự án. Cụ thể, dự án có tổng vốn đầu tư 3.400 tỉ đồng.
Dự án đã khởi công đợt 1 với 4 gói thầu xây lắp vào tháng 12-2022. Dự kiến sẽ tiếp tục khởi công các gói thầu còn lại trong quý II-2023 và hoàn thành toàn bộ công trình vào dịp 30-4-2025. 4 gói thầu xây lắp đã hoàn thành các thủ tục như tổ chức giao thông, cấp phép thi công, di dời cây xanh, san lấp mặt bằng, chuẩn bị lán trại, văn phòng tại công trường.
Ban Giao thông cho biết mới đây UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng chính phủ xem xét, hỗ trợ 1.123 tỉ đồng từ nguồn vốn Ngân sách Trung ương để TP triển khai thực hiện dự án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn từ Nút giao An Phú đến đường Vành đai 2).
Từ đó, nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện đầu tư và đưa dự án vào khai thác đồng bộ với dự án xây dựng nút giao thông An Phú, dự án đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu).
Theo thông tin từ Cổng thông tin Chính phủ, tại buổi khảo sát Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh dự án nút giao An Phú có vai trò rất quan trọng. Thủ tướng biểu dương nỗ lực của các cơ quan trong triển khai dự án và lưu ý cần khẩn trương thiết kế công trình biểu tượng tại nút giao (trở thành nút giao ấn tượng, biểu tượng của TP.HCM).
Thủ tướng nhấn mạnh đầu tư công là 1 trong 3 động lực tăng trưởng, ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, các công trình giao thông trọng điểm chiếm 60% vốn đầu tư công năm 2023 của TP. Do đó, việc thực hiện mục tiêu giải ngân được ít nhất 95% là rất quan trọng. Ban Giao thông cần hết sức khẩn trương triển khai các công việc theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM, thường xuyên kiểm đếm tiến độ và báo cáo.
Thủ tướng giao Bộ GTVT thống nhất phạm vi đầu tư, quy mô và tiến độ hoàn thành dự án mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn từ nút giao thông An Phú tới đường Vành đai 2). Từ đó, để TP.HCM có cơ sở xây dựng tiến độ triển khai nghiên cứu dự án đảm bảo đồng bộ và phát huy hiệu quả đầu tư các dự án trên tuyến.
Thủ tướng đề nghị các bên liên quan hoàn thành thi công Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dịp 2/9, sớm hơn ba tháng so với kế hoạch.
Chỉ đạo được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi cùng đoàn công tác Chính phủ và lãnh đạo TP HCM khảo sát, dự buổi chạy thử nghiệm tàu của tuyến metro, chiều 15/4. Đây là lần thứ hai Thủ tướng kiểm tra tình hình thực hiện dự án này, sau buổi thị sát ga ngầm Bến Thành và Ba Son hồi tháng 7 năm ngoái.
Hành trình tàu chạy thử chiều nay dài 11 km, từ ga Rạch Chiếc đến bến xe Suối Tiên, TP Thủ Đức. Buổi chạy thử nằm trong quy trình thử nghiệm gồm 8 giai đoạn của Metro số 1, được Ban quản lý dự án đô thị TP HCM (MAUR – chủ đầu tư) cùng nhà thầu triển khai nhiều tháng nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên trên đoàn tàu chạy thử nghiệm, chiều 15/4. Ảnh: Nhật Bắc
Trước tiến độ tuyến metro đạt khoảng 95%, Thủ tướng giao các cơ quan, đơn vị cố gắng hoàn thành dự án vào dịp 2/9 tới, trước ba tháng so với kế hoạch. Đây là công trình biểu tượng, có ý nghĩa rất lớn trong chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản.
Hiện, nhiều vướng mắc nêu tại buổi làm việc lần trước của Thủ tướng về dự án cơ bản được tháo gỡ. Riêng vấn đề bổ sung vốn cho đơn vị vận hành tuyến đã được Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo, các đơn vị đang thực hiện.
Ngoài tuyến Metro số 1, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện quy hoạch hệ thống metro của TP HCM phù hợp định hướng phát triển mới. Đồng thời,thành phố cần sớm xúc tiến tuyến Metro số 3a (Bến Thành – Tân Kiên) theo hướng vay vốn ODA thế hệ mới của Nhật Bản, rút kinh nghiệm từ tuyến số 1 để triển khai nhanh hơn.
Thủ tướng cảm ơn Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio vì đã góp phần thúc đẩy Nhật Bản sắp triển khai cho vay vốn ODA thế hệ mới với Việt Nam. Ông đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng hạ tầng giao thông chiến lược, gồm đường sắt tốc độ cao, góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng hiệu quả hơn.
Tàu thuộc tuyến Metro số 1 chạy thử đoạn trên cao, phía dưới là dòng xe ùn ứ trên xa lộ Hà Nội, tháng 12/2022. Ảnh:Thanh Tùng
Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP HCM, khởi công cách đây 11 năm, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, từ vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Tuyến dài gần 20 km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức), với ba ga ngầm, 11 ga trên cao.
Theo MAUR, đơn vị đang cùng liên danh tư vấn NJPT và các nhà thầu Nhật Bản huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, hoàn thành công tác thi công bao gồm lắp đặt các thiết bị còn lại, hoàn thiện kiến trúc nhà ga, cầu bộ hành dọc tuyến…
Song song thi công, chủ đầu tư tiến hành các bước vận hành thử nghiệm toàn bộ hệ thống của dự án, đồng thời phối hợp các bên đào tạo, chuyển giao công nghệ cũng như thẩm định, nghiệm thu PCCC, môi trường, an toàn hệ thống…
Nguồn cung nhà ở cuối năm hơn chục nghìn căn sẽ chỉ tập trung phân khúc cao cấp, hạng sang, đẩy cơn khát nhà giá rẻ lên đỉnh điểm.
Tại Hội thảo “Dòng tiền và xu thế bất động sản cuối năm 2022” ngày 28/6, các chuyên gia cảnh báo từ nay đến tháng 12, thị trường nhà ở TP HCM bước vào giai đoạn thanh khoản bị thách thức khi nguồn cung nhà giá cao tăng lên còn loại nhà ở nhiều người có nhu cầu thuộc phân khúc bình dân không có sản phẩm nào.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, cho biết trong năm 2022, nguồn cung căn hộ sẽ ở mức 22.000-24.000 căn, trong đó hai quý đầu năm đã chiếm 50% nguồn cung này, phần còn lại sẽ được tung ra trong 6 tháng cuối năm. Nhưng rổ hàng này lại không có nhà ở bình dân khiến thị trường rơi vào tình cảnh khan hiếm, thiếu hụt nhà giá rẻ cuối năm nay.
Ông Kiệt cũng xác nhận, nhiều chủ đầu tư đang có kế hoạch tung các căn hộ hạng sang và siêu sang ra thị trường thời gian tới, có thể dẫn đến xác lập mặt bằng giá mới với các cột giá cao hơn trong tương lai.
Bất động sản khu đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, đánh giá thực trạng của thị trường 6 tháng đầu năm là giá nhà cao, thanh khoản hạn chế và xu hướng này có thể tiếp diễn trong những quý còn lại của năm.
Theo ông, phân khúc cao cấp đối với các đô thị lớn như TP HCM thường chỉ có giới đầu tư tham gia. Phân khúc nhà ở vừa túi tiền dành cho những đối tượng trẻ từ dưới 30-35 đang có nhu cầu ở thật chiếm tỷ trọng rất lớn nhưng không có sản phẩm và giấc mơ an cư tại Sài Gòn ngày càng trở nên xa vời với họ.
Các chuyên gia CBRE và Savills đều nhìn nhận, nhóm khách hàng có nhu cầu nhà ở chiếm tỷ trọng cao nhất hiện nay đều rơi vào phân khúc bình dân nhưng họ gặp trở ngại không có sản phẩm giá vừa túi tiền. Nhóm khách hàng này tiết kiệm dư một tỷ đồng đã khó, nhưng với số tiền này họ cũng không dễ mua được nhà. Nếu vay thêm lại vướng vấn đề bị siết tín dụng. Do đó, khả năng mua nhà của nhóm khách hàng này rất khó. Nhà thuộc dự án mới khó mua vì giá cao, còn các dự án cũ giá thấp hơn lại gặp thách thức phải trả tiền một lần chứ không thể trả góp theo tiến độ.
Chia sẻ với VnExpress, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành xác nhận, thanh khoản nhà ở trên thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm có thể diễn biến theo chiều hướng kém khả quan. Nguyên nhân là tốc độ tăng giá nhà thời gian qua diễn ra quá nhanh và dồn dập, chủ yếu chỉ có giới đầu cơ hưởng lợi.
Trong bối cảnh đó, theo ông Nghĩa, phân khúc nhà giá cao vẫn dồn dập ra hàng cũng khiến cho giới đầu tư bị dội giá. Người có nhu cầu thật buộc phải đứng bên lề thị trường nhà ở do thu nhập không đuổi kịp giá nhà. Những thách thức thanh khoản nhà ở kém có thể tăng dần thời gian tới.
Các chuyên gia đánh giá năm nay không phải là năm thuận lợi cho thị trường bất động sản vì gặp phải hàng loạt khó khăn như pháp lý kéo dài, khó tiếp cận vốn vay, giá cao, thanh khoản đi xuống… Đây là giai đoạn thức tỉnh đối với các nhà đầu tư địa ốc. Những người mua lướt sóng đã chùn tay, chỉ còn lại sân chơi của nhà đầu tư dài hạn, có kế hoạch dòng tiền trung bình 3 năm trở lên. Khi càng khó khăn, phân khúc nhà ở vừa túi tiền đại diện cho nhu cầu thật, càng cần được thúc đẩy để cân bằng lại thị trường đang lệch pha cung cầu (thừa nhà giá cao, thiếu nhà giá thấp).
“Vì vậy, sự khan hiếm, thiếu hụt nhà giá rẻ là một điểm yếu của thị trường cần sớm được khắc phục”, một chuyên gia khuyến nghị.
Công nhân Metro Bến Thành – Suối Tiên đang thi công tái lập mặt bằng trên đường Lê Lợi (quận 1) trước 30/4 sau 6 năm chiếm dụng.
Những ngày tháng 4 trong công trường thi công ga ngầm Bến Thành ở góc đường Lê Lợi giao với đường Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, hàng chục công nhân cùng máy móc tất bật làm việc để trả hiện trạng ban đầu.
Năm 2016, khu vực đường Lê Lợi được rào chắn năm 2016 để thi công gói thầu 1A (đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Bến Thành, dài 515 m). Hiện công trình đạt hơn 95%. Khoảng một năm trước, một phần mặt bằng trên Lê Lợi – Nguyễn Huệ, đối diện Nhà hát thành phố đã được đơn vị thi công trả để tái lập mặt bằng.
Ngày 1/4, tại công trường rộng khoảng 3.000 m2, các xe lu, cần cẩu liên tục di chuyển để rải cát, lu nền. Trước đó các hạng mục như phá vỡ sàn tạm, cắt tường vây, đắp cát, lắp ống thoát nước… đã cơ bản hoàn thiện.
Một phần đường Lê Lợi, đoạn giao với đường Pasteur đang tiến hành những công đoạn cuối là lu nền trước khi thảm nhựa đường.
Theo ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR – chủ đầu tư) công nhân được chia thành 2 ca làm việc ngày đêm để trả mặt bằng đúng tiến độ.
Công nhân tháo dỡ những tấm sắt làm khuôn bó vỉa hè trên đường Lê Lợi.
Trước đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đề xuất sau khi hoàn trả mặt bằng đường Lê Lợi, vỉa hè trên tuyến sẽ được mở rộng nhằm tạo thêm không gian chung, kết nối trung tâm mua sắm dọc bên. Đường sẽ giảm các làn xe chạy, tăng diện tích cây xanh, tiện ích công cộng…
Những cống đang dần hoàn thiện, đấu nối với hệ thống thoát nước của thành phố.
Ở đoạn đã rải lớp đá dăm cuối, kỹ sư tiến hành đo cao độ mặt đường trước khi thảm nhựa.
Một nhóm khác cào sỏi để hiệu chỉnh cao độ lòng đường. Theo đơn vị thi công, thời gian sắp tới sẽ lắp đặt hệ thống điện, dây cáp, viễn thông, chiếu sáng…
Anh Lợi dùng máy cắt bê tông vạt những đoạn nham nhở ở gần rào chắn để đồng bộ với mặt đường mới khi tái lập mặt bằng.
“Anh em công nhân ai cũng khẩn trương làm việc để kịp trả mặt bằng cho người dân đi lại, buôn bán thuận tiện hơn, cũng là góp phần cho tuyến metro của thành phố sớm về đích”, nam công nhân nói.
Phía ngoài, bảo vệ thường xuyên đứng điều tiết giao thông ở các giao lộ trên đường Lê Lợi.
Hàng lô cốt cao 2-4 m chắn trên đường Lê Lợi, Pasteur trước ngày tháo dỡ.
“Những rào chắn này che khuất tầm nhìn, chừa lối đi hẹp, khiến việc buôn bán của chúng tôi… nhiều năm nay ế ẩm. Giờ nghe tin sắp tái lập mặt bằng nên bà con hai bên đường mong chờ lắm”, bà Nguyễn Thị Hà, 59 tuổi, kinh doanh văn phòng phẩm nói.
Gói thầu 1A sẽ hoàn trả toàn bộ mặt bằng khi khu vực giáp chợ Bến Thành và công viên 23/9 sẽ được bàn giao trong tháng 9.
Metro Số 1 tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km từ depot Long Bình (TP Thủ Đức) đến ga Bến Thành. Dự án đã nhập về 11 trong tổng 17 đoàn tàu, dự kiến chạy thử nghiệm giữa năm nay. Tuyến metro hiện đạt gần 89%, kế hoạch đưa vào khai thác năm 2023.
Đường Lê Lợi (quận 1) từ phố đi bộ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành là một trong những tuyến sầm uất nhất TP HCM. Ảnh: Google Maps